Xuất khẩu thủy sản tăng vọt, rau quả giảm sâu
TTO – Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 1,5 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mặt hàng rau quả đạt 445 triệu USD, giảm trên 21% so với cùng kỳ năm trước.
- Xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm đạt 8 tỉ USD
- Xuất khẩu thanh long khó trăm bề
- Tưng bừng xuất khẩu nông sản đầu năm
Thanh long, mít, dưa hấu là các mặt hàng có tỉ trọng giảm – Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 2-2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,3 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 31,4% so với tháng 1-2022.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản uớc đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 tăng vọt 47,2% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỉ USD.
Tiếp tục đà hồi phục sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thủy sản thế mạnh như cá tra tăng 83,3%, tôm tăng 34,3%.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), sản xuất, chế biến thủy sản gần như trở lại bình thường như trước dịch. Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường lớn đều tăng đột phá.
Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng, nên cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều lạc quan vào một năm bội thu, tất cả đều đang phấn khởi tích cực sản xuất.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan. Theo đó, xuất khẩu thủy sản trong quý 1-2022, năm nay có thể mang về trên 2 tỉ USD.
Trong khi đó, nhóm mặt hàng rau quả, chè, sắn và sản phẩm sắn 2 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-12% so với cùng kỳ.
Ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết Trung Quốc chiếm 55% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, việc xuất khẩu thông quan hàng hóa qua Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu rau quả bị sụt giảm.
Tính riêng tháng 1, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 150 triệu USD, giảm 19% về giá trị và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 2. Rau quả không còn là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.
Lũy kế 2 tháng, xuất khẩu rau quả Việt Nam đi các thị trường chỉ đạt 445 triệu USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn… xuất khẩu rau quả vẫn tăng trưởng bình thường. Riêng thị trường Trung Quốc vẫn siết chặt, kiểm soát COVID-19 và nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2 là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu rau quả giảm sâu” – ông Nguyên nói và cho biết dự báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo sẽ vẫn gặp khó khăn nếu như chính sách không thay đổi.
Ông Nguyên khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình thông quan tại cửa khẩu, cảng biển để điều tiết hàng hóa xuất khẩu. Đối với sản xuất thì phải giảm diện tích trồng, tránh dư thừa dẫn tới mất giá.
Nguồn: Báo tuổi trẻ