TP.HCM tháo gỡ điểm nghẽn về logistics
Logistics đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay logistics của TP.HCM còn rất nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ… chi phí rất cao, gần gấp 2 lần so với các nước phát triển, làm hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông gây khó cho doanh nghiệp
Công ty TNHH GUNZE (Việt Nam) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 mỗi tháng xuất, nhập khẩu 60 container hàng hóa, nguyên liệu sản xuất qua Cảng Cát Lái, TP.Thủ Đức. Đoạn đường từ nhà máy xuống cảng chỉ khoảng15 km nhưng chi phí logistics lên đến 5 triệu đồng/1 container hàng hóa. Chi phí này cao hơn một số nước khác trong khu vực như: Thái Lan, Singapore… từ 30-40%, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến giá thành cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho logistics của TP.HCM như: hệ thống kho, bãi còn hạn chế, cầu đường kết nối vào các cảng nhiều lúc quá tải làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là tình trạng kẹt xe.
Bà Chiêm Phương Thảo, phụ trách quản lý xuất nhập khẩu Công ty TNHH GUNZE (Việt Nam) cho biết, lúc bình thường, thời gian xe container chở hàng đi hoặc về từ nhà máy xuống cảng mất từ 1-2h, nhưng những lúc kẹt xe có khi mất đến nửa ngày. Tình trạng này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vì không kịp thời gian giao hàng và không thể đưa nguyên liệu về ngay cho các dây chuyền đang sản xuất.
Container hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp ở cảng chờ doanh nghiệp logistics chuyển xuống tàu. (Ảnh: Lệ Hằng)
“Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong khu vực. Chúng tôi cố gắng sản xuất cho kịp hợp đồng nhưng bị kẹt xe, bị rớt container, chúng tôi phải bồi thường hợp đồng. Ở chiều ngược lại, hàng từ cảng về kẹt xe nguyên liệu sản xuất về không kịp thì cả chuyền sản xuất, công nhân của chúng tôi phải ngồi chờ, ngồi chơi” – bà Chiêm Phương Thảo nói.
Trường hợp của Công ty TNHH GUNZE cũng là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa ở TP.HCM đang gặp phải. Những hạn chế và điểm nghẽn về logistics của TP.HCM đã được lãnh đạo thành phố nhìn nhận. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hạ tầng chưa đồng bộ, cả đường sắt, bộ, thủy và đường hàng không.
Bên cạnh đó, trước nay, dịch vụ logistics ở TP.HCM phần lớn là do doanh nghiệp tư nhân làm, nên còn khá manh mún, chưa có trung tâm chuyên nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân chỉ làm những khâu đơn giản như đóng gói, vận chuyển…. Chính vì vậy, chi phí logistics của Việt Nam rất cao, chiếm đến 19% chi phí sản xuất, trong khi các nước phát triển thì chỉ chiếm dưới 10%.
Đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối hệ sinh thái logistics
Từ thực tế trên, TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics với mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 10% GRDP và đến năm 2030 tỷ lệ này đạt 12%. TP đã quy hoạch 7 trung tâm logistics chuyên nghiệp, trong đó 3 trung tâm tập trung ở TP.Thủ Đức, gần cảng Long Bình, cảng Cát Lái và khu công nghệ cao.
Nhân viên Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang vận hành hệ thống quản lý các dich vu tải Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức. (Ảnh: Lệ Hằng)
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đến năm 2023, TP.HCM phải hoàn tất toàn bộ thủ tục tư vấn, kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh liên kết với các tỉnh lân cận, như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh… Tuy nhiên, TP.HCM cần nhiều đơn vị tư vấn để triển khai tốt nhất hoạt động của các trung tâm logisics.
“Chúng tôi xác định phải hình thành những trung tâm logistics chuyên nghiệp, phải đầu tư chuyển đổi số, đầu tư nguồn nhân lực, đầu tư vào việc quảng bá, xúc tiến… Liên kết vùng để dịch vụ logistics trên địa bàn TP.HCM góp phần quan trọng, trở thành mạch máu trong nền kinh tế từ sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa” – ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Hiện nay, hệ thống các cụm cảng ở TP.Thủ Đức chiếm 45% công suất thông quan hàng hóa của các tỉnh, thành phía Nam. Để giải quyết ách tắc hàng hóa ở khu vực các cụm cảng này, Thủ Đức đang đề xuất làm tuyến đường kết nối vào các cảng.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, TP.Thủ Đức đang làm quy hoạch đến năm 2040, trong đó có nội dung quan trọng là đề xuất kết nối giao thông đường bộ, đường sắt giữa cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt quốc gia. Trong ngắn hạn, Thủ Đức tập trung đề xuất làm 1 đường giao thông kết nối trực tiếp với cụm cảng Cát Lái- Phú Hữu với đường vành đai 3 và cao tốc Long Thành- Dầu Giây.
“Chúng tôi rất mong muốn tuyến đường kết nối vào đường vành đai 3 từ cụm cảng này sẽ hoàn thành cùng thời điểm đó và sự kết nối này rất quan trọng trong việc giải quyết tắc nghẽn giao thông” – ông Hoàng Tùng nói.
Nhằm cắt giảm chi phí logistics, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị hoạt động quản lý chuyên ngành sẽ kết hợp với kiểm tra hàng để hình thành vòng tròn khép kín. Theo Hiệp hội Logistics TP.HCM, các doanh nghiệp nên liên kết với nhau để sử dụng hiệu quả hệ thống kho bãi, phương tiện, các nền tảng công nghệ …trong hệ sinh thái này để tăng hiệu quả.
Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho rằng, khi kết nối thông qua hệ sinh thái logistics, đặc biệt ở TP.HCM thì có thể kết nối trong toàn quốc. Các doanh nghiệp ở TP.HCM có thể kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, khi đó chắc chắn sẽ giảm được chi phí logistics.
“Để làm được việc này 1 doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp, không chỉ của doanh nghiệp logistics mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp trong hệ sinh thái logistics có thể cùng kết nối với nhau, cùng vận hành, sử dụng chung hệ thống, phương tiện vận tải, kho bãi, các hạ tầng nền tảng công nghệ điện tử…” – bà Đặng Minh Phương nêu ý kiến.
Bên cạnh việc đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông với hệ thống cảng, việc cắt giảm chi phí logistics là điều mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Hóa giải được những điểm nghẽn này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước./.
Lệ Hằng/VOV-TP.HCM