Logistics ‘bình thường mới’: số hóa để đẩy mạnh tăng trưởng
Thị trường logistics Việt được kỳ vọng nhiều tiềm năng phát triển, song doanh nghiệp ngành này cũng cần đẩy mạnh ứng dụng số hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Logistics là một trong những ngành dịch vụ giúp kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao trong thời bình thường mới, nhiều doanh nghiệp ngành này đẩy mạnh đầu tư phát triển nhằm duy trì nguồn lực, đáp ứng mức tăng trưởng thị trường.
Dịch bệnh bùng phát trong hai năm qua ảnh hưởng đến hoạt động logistics trên cả nước, khiến chi phí ngành này tăng cao. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng trước đó cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa phương trì trệ. Với tốc độ phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện tại, đầu tư ngành logistics dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong tương lai.
Để đạt tốc độ phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng logistics cần hướng tới số hóa và nâng cao hạ tầng công nghệ. Ngoài tích hợp công nghệ hiện đại, doanh nghiệp ngành này cần chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang hiện đại.
Hệ thống băng chuyền tự động sử dụng công nghệ hiện đại tại một trong tâm phân loại của BEST Express. Ảnh: BEST Express
Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Trường Đại học Ngoại thương cũng cho rằng doanh nghiệp lĩnh v ực này hiện nay đã dần nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc tăng hiệu quả kinh tế, tối ưu dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã kịp thời áp dụng thành công các giải pháp công nghệ, mang lại hiệu quả nhất định cho hoạt động kinh doanh, góp phần giảm đáng kể các chi phí liên quan.
Việc ứng dụng nền tảng Big Data vào xử lý dữ liệu, đưa công nghệ tự động hóa vào vận hành cũng đang được các doanh nghiệp logistics đầu tư bài bản với quy mô lớn. Những đơn vị lợi thế về hạ tầng công nghệ cũng tận dụng triệt để ưu điểm này, mạnh tay đầu tư, nâng cao hiệu suất dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đầu năm 2021, Viettel Post khai trương trung tâm logistics tự động miền Nam giúp tiết kiệm 91% nhân lực, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào vận hành, giám sát. Hai trung tâm chính gồm điểm chia chọn và fulfillment (hoàn tất đơn hàng), cung cấp đầy đủ dịch vụ gồm: nhập hàng vào kho, lưu kho, xử lý đơn, dán nhãn, xuất hàng, chia chọn…
Trong đó, khâu vận chuyển ứng dụng công nghệ robot AGV giúp đưa hàng hóa đến tận điểm phân chia và lưu trữ tự động, sắp xếp hàng hóa, điều phối đơn ngẫu nhiên theo thuật toán tối ưu đường đi. Tại trung tâm chia chọn, hệ thống băng chuyền tự động công suất 42.000 bưu phẩm mỗi giờ có khả năng phân chia hàng nặng đến 50 kg và hàng nhỏ.
Điểm chia chọn hàng hóa kích thước lớn, cồng kềnh, khối lượng trên 3 kg của BEST Express. Ảnh: BEST Express
Tập đoàn BEST Inc. cũng áp dụng công nghệ cao vào phân loại hàng hóa giúp tăng độ chính xác phân loại bưu kiện từ 80% lên mức gần như tối ưu. Hiệu quả phân loại cũng tăng gấp 4 lần so với phương pháp thủ công. Hiện BEST Express sở hữu 30 trung tâm phân loại hàng hóa tự động trên cả nước. Khả năng xử lý lên đến 1,8 triệu đơn hàng mỗi ngày.
Trong đó, TP HCM và Bắc Ninh là hai trung tâm lớn nhất, nhì của tập đoàn tại Đông Nam Á. Sau khi đi vào hoạt động, hai trung tâm giúp điều phối hàng hóa vận chuyển thông suốt trên khắp các tỉnh, thành cả nước.
Mỗi trung tâm đều trang bị những băng chuyền phân loại hàng tốc độ cao, sử dụng công nghệ hiện đại đai chéo, ma trận đa tầng. Toàn quy trình ít có sự can thiệp của con người. Thông thường, mỗi bưu kiện khối lượng quy đổi dưới 3 kg chỉ mất 0,5-2 giây để hoàn thành phân loại. Quá trình này vận hành nhờ hệ thống khí nén và đẩy, giúp đảm bảo an toàn cho các kiện hàng khối lượng và kích thước phức tạp.
Đại diện BEST Express (trái) nhận Giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 21. Ảnh: BEST Express
Nhờ những cống hiến cho hành trình số hóa ngành logistics trong nước, BEST Express Việt Nam được vinh danh là doanh nghiệp “Dẫn đầu về ứng dụng công nghệ tự động” tại Lễ công bố và vinh danh các Doanh nghiệp FDI tiêu biểu tăng trưởng xanh năm 2021 trong khuôn khổ “Giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 21”, ngày 8/4. Đơn vị hiện là một trong những doanh nghiệp vận chuyển dẫn đầu về ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa vào phát triển kinh doanh, mang đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn.
Việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, tăng doanh thu, rút ngắn thời gian luân chuyển hàng và mang đến dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả hơn cho khách hàng. Với các thành tựu BEST Express đạt được, đại diện doanh nghiệp nhận định các đơn vị ngành này càng sớm nghiêm túc đầu tư số hóa, càng có nhiều cơ hội tạo dựng lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Nguyệt Di