Tin tức

Đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc – Bài 2: Logistics giúp nông sản tăng mạch lưu thông

Đăng ngày: 28/03/2023

Theo các chuyên gia, sau sản xuất, xúc tiến bán hàng, giờ là lúc tỉnh Sơn La cần bàn đến câu chuyện logistics – yếu tố quan trọng nhất để tiêu thụ nông sản và là 'nút thắt' cần tháo gỡ hiện nay.

Hạ tầng logistics thiếu đồng bộ

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”. Trong đó định hướng, phấn đấu đưa Sơn La trở thành trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu và du lịch của vùng Tây Bắc.

Đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc - Bài 2: Logistics giúp nông sản tăng mạch lưu thông

Sơn La đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả và lớn nhất khu vực miền Bắc

Những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp Sơn L a thời gian qua là “trụ đỡ” cho sản xuất bền vững, tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc thì Sơn La vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt và cơ bản nhất là phát triển hạ tầng logistics.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay thì sức ép cạnh tranh và yêu cầu của thị trường đối với hàng hóa nông sản ngày càng cao, cùng với đó hoạt động xuất khẩu nông sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận thị trường là một điều tất yếu, để làm được điều đó, tỉnh Sơn La cần tháo gỡ nút thắt về logistics.

“Trong thời gian tới nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Sơn La là rất lớnMặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Sơn La phát triển còn rất hạn chế như: Hạ tầng logistics manh mún, thiếu sự đồng bộ; hình thức dịch vụ logistics còn đơn điệu, tính liên kết không cao; năng lực cung ứng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế…” – ông Lê Hồng Minh cho hay.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La nhận định, hiện nay, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu và yếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics. Nhìn chung, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn.

Nêu cụ thể thực trạng cơ sở vật chất và tình hình hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Sơn La, bà Đỗ Thị Bích Châu cho biết, về chất lượng hệ thống giao thông của tỉnh, hiện nay các tuyến đường quốc lộ cơ bản đã đạt tiêu chuẩn từ đường cấp IV đến cấp III miền núi, các tuyến đường huyện chủ yếu đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn đến cấp V miền núi. Tuy nhiên, mặt đường cấp cao còn chiếm tỷ lệ thấp (tỷ lệ mặt đường được rải nhựa và bê tông xi măng mới đạt 55,7%, tỷ lệ của cả nước là 78%), quy mô nhỏ chủ yếu là 01 làn xe.

Trên các tuyến còn nhiều cầu yếu, nhiều đèo dốc nguy hiểm… dẫn đến năng lực thông hành của các tuyến đường thấp, các phương tiện vận chuyển hàng hóa có kích thước, tải trọng vận chuyển lớn như: Xe container, xe đầu kéo… khó tiếp cận sâu vào hệ thống đường giao thông nông thôn đến trung tâm các xã, cụm xã, các khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu…

Hạ tầng đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực bốc xếp cũng như khả năng kết nối với các tuyến đường bộ còn hạn chế. Mặc dù tỉnh đã có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ đầu tư trong việc xây dựng bến, cảng thủy nội địa. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhu cầu vận tải đường thủy chưa lớn, hiệu quả thu hồi vốn chưa cao nên chưa thực sự hấp dẫn về mặt tài chính đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh có 2 cửa khẩu chính thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, là cửa khẩu Chiềng Khương – huyện Sông Mã và cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Điều kiện cơ sở vật chất tại 2 khu vực cửa khẩu còn tương đối sơ sài, mới chỉ có nhà kiểm soát liên hợp và bãi tập kết hàng hóa (với diện tích tương đối hạn chế khoảng 1.000 m2 với cửa khẩu Lóng Sập và 2.000 m2 với cửa khẩu Chiềng Khương).

Các hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu khác như: Kho ngoại quan, kho trung chuyển, khu vực dành cho hoạt động dịch vụ thương mại, tài chính, khu phi thuế quan, thiết bị hỗ trợ sang tải, bốc dỡ hàng hóa… chưa được đầu tư, phát triển. Khối lượng và giá trị hàng hóa thông quan qua 2 cửa khẩu còn tương đối khiêm tốn và không ổn định.

Đặc biệt, về hệ thống cơ sở logistics hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản như: Hệ thống kho, bãi, nhà lạnh phục vụ cho mục đích tập kết, bảo quản hàng đã được đầu tư xây dựng tuy nhiên mới chỉ quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, phục vụ nhu cầu bảo quản, lưu trữ trong ngắn hạn của các hộ sản xuất, HTX.

“Cả tỉnh hiện có khoảng 30 kho lạnh với quy mô nhỏ (dung tích dưới 250 m3/kho) thực hiện bảo quản hàng hóa quả tươi, khoảng 2.500 cơ sở sấy quả tươi nhỏ lẻ với công suất 60.000 tấn quả tươi/niên vụ (chủ yếu sản phẩm nhãn)” – bà Đỗ Thị Bích Châu dẫn chứng.

Về cơ sở đóng gói, đến tháng 3/2022, tỉnh có 25 cơ sở được cấp mã cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu Trung Quốc. Phần lớn các cơ sở trên là các HTX sản xuất, tự đặt hàng nhập bao bì về tiến hành đóng sản phẩm thủ công, không phải các đơn vị logistics hay xuất khẩu chuyên nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có cơ sở chuyên sản xuất các vật liệu, sản phẩm phục vụ hoạt động bao trái, đóng gói, xuất khẩu (như thùng xốp, hộp, rành nhựa, túi bao trái…). Hầu hết phải nhập từ các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh. “Do đó, các chi phí có các công đoạn trên còn tương đối lớn, chiếm từ 19 đến trên 22% giá thành sản xuất của các sản phẩm trái cây xuất khẩu” – bà Đỗ Thị Bích Châu nói.

Giải pháp nào để phát triển logistics?

Từ những thực trạng nêu trên, hiện nay tỉnh Sơn La đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc - Bài 2: Logistics giúp nông sản tăng mạch lưu thông

Đầu tư logistics giúp nâng cao giá trị nông sản Sơn La

Bà Đỗ Thị Bích Châu cho biết, về phía Sở Công Thương, chúng tôi đề xuất 5 giải pháp phát triển logistics trên địa bàn tỉnh. Một là, tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông. Giao thông là huyết mạch nền kinh tế, là tiền đề để phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ nói chung và ngành logistics nói riêng.

Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục cải tạo và nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, ưu tiên các tuyến trọng yếu, các tuyến đường dẫn tới các cửa khẩu, vùng nguyên liệu chính của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ việc đầu tư xây dựng tuyến Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu nhằm rút ngắn thời gian và chi phí vận tải hàng hóa.

Hai là, đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng logistics. Trong đó, tập trung cải thiện hệ thống kho, bãi, cảng, bến thủy nội địa… Quy hoạch và khuyến khích đầu tư hệ thống kho bãi dịch vụ vệ tinh xung quanh các trung tâm đô thị, cửa khẩu, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đồng thời, cải tạo cửa khẩu Lóng Sập đáp ứng các điều kiện theo quy định đối với cửa khẩu quốc tế. Trong đó, chú trọng đầu tư các hạng mục logistics hỗ trợ việc thông quan, xuất khẩu hàng hóa; khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại, bao gói tập trung.

Ba là, tăng cường việc liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nông sản. Cụ thể, nghiên cứu lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm liên kết toàn diện, chuỗi cung ứng lạnh giữa đơn vị sản xuất, đơn vị tiêu thụ, đơn vị logistics từ khâu canh tác – thu hoạch – thu mua – vận chuyển – sơ chế – lưu trữ cho đến thông quan – tiêu thụ – xuất khẩu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho người nông dân.

Bốn là, đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến vào các khu công nghiệp, gắn việc việc hình thành và phát triển các trung tâm/tổ hợp dịch vụ logistics với việc phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất các loại vật tư, vật liệu hàng hóa phục vụ sản xuất, bảo quản, xuất khẩu nông sản…

Năm là, các doanh nghiệp, HTX sản xuất cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay đổi tư duy, từ sản xuất chạy theo quy mô, số lượng, chuyển dịch sang sản xuất theo quy chuẩn, đơn đặt hàng của từng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, tích cực, chủ động tham gia các chương trình đưa các phẩm hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, vừa góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa tận dụng các chính sách hỗ trợ và hạ tầng logistics của sàn thương mại điện tử.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, sau sản xuất, xúc tiến bán hàng, giờ là lúc tỉnh Sơn La cần bàn đến câu chuyện logistics. Mặc dù, Sơn La đã có quy hoạch một trung tâm logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư.

Theo đó, ông Hải hy vọng tỉnh có những chính sách phù hợp và hiệu quả để thu hút vốn đầu tư hạ tầng logistics cho Sơn La nhằm khắc phục những khó khăn trong giao thông do điều kiện tự nhiên gây ra. “Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng như của doanh nghiệp cần nhận thức đúng, rõ vai trò của logistics để quan tâm đầu tư nhiều hơn; đồng thời, triển khai quyết liệt, với sự đồng hành của Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp” – ông Trần Thanh Hải nói.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Sơn La cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến đường đến trung tâm xã, các đường vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường nội bộ các khu sản xuất nông nghiệp, các tuyến đường bộ kết nối với các cảng, bến thủy nội địa, các tuyến trục chính đến cửa khẩu để rút ngắn thời gian và giảm chí phí và tạo điều kiện dễ dàng cho lưu thông hàng hóa nông sản…

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Tỉnh Sơn La cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ và xây dựng hạ tầng logistics, cơ sở bảo quản để hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.

Quỳnh Nga

Chia sẻ : Facebook Twitter Google Pinterest

Bài viết liên quan

© 2023 Amazing Logistics

Số điện thoại
0912 570 636