Đưa đóng góp của logistics vào tăng trưởng GDP ở mức 4,5% trong năm 2022
Với sự tích cực phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Logistics Việt Nam đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Ảnh: TL
Ngành logistics đang thu hút các nguồn lực đầu tư
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian qua, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%.
Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng tới trên 30.000 doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%), tiếp đó là doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là doanh nghiệp vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%).
Sáng 14.4.2022, phát biểu tại tọa đàm Chính sách trong lĩnh vực logistics do Bộ Công Thương Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Logistics đóng góp lớn cho phát triển xuất nhập khẩu. Ảnh: T.An
“Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại” – ông Trần Thanh Hải nói.
Phát triển logistics đóng góp vào tăng trưởng GDP đạt 4,5%
Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong giai đoạn 2016-2020, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng quốc tế và trong nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thực hiện các FTA thế hệ mới, đạt mức kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 tới 668,54 tỉ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trên thế giới, GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 5,7% vào năm 2021 và 4,5% vào năm 2022. Sự phục hồi mạnh mẽ ở Châu Âu, các gói hỗ trợ tài chính bổ sung ở Hoa Kỳ, tiêu dùng, đầu tư đều tăng lên, dần thay thế tâm lý chi tiêu tiết kiệm trong thời đại dịch, nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng mạnh sẽ kích thích sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, tạo nguồn cầu mạnh mẽ đối với dịch vụ logistics.
Tại Việt Nam, các biện pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế của Chính phủ sẽ giúp tăng trưởng phục hồi và tốt hơn.
“Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là tạo nền tảng, điều kiện quan trọng để sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ với động lực từ khu vực đầu tư nước ngoài. Kéo theo đó là các hoạt động logistics nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thành phẩm” – ông Trần Thanh Hải nói.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Quyết định số 169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.1.2014 phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì giai đoạn đến năm 2030 phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải thành một ngành dịch vụ quan trọng tại Việt Nam, đóng góp từ 5-10% vào GDP.
Theo đề án đã được duyệt, đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Về năng lực, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU); hành khách từ 10,1-10,3 triệu lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu); nghiên cứu phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa); phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện…