Sản xuất của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất trong 2 năm
TTO – Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4-2022 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua do các biện pháp chống dịch COVID-19, làm tăng lo ngại gây thêm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Bộ Chính trị Trung Quốc xác định duy trì chính sách 'zero COVID'
- Chán cảnh phong tỏa, giới ngân hàng và quản lý quỹ tìm cách rời Thượng Hải
- Nguy cơ dịch lan rộng ở Bắc Kinh, người dân nháo nhào đi mua hàng dự trữ
Bên trong xưởng lắp ráp sản phẩm điện tử ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào cuối tháng 3-2022 – Ảnh: AFP
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 30-4, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của tháng 4-2022 đạt 47,4 điểm, giảm so với mức 49,5 điểm của tháng 3-2022.
Ngoài ra, chỉ số PMI phi sản xuất, dùng để đo lường hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, cũng giảm xuống còn 41,9 điểm so với 48,4 điểm của tháng 3-2022. Đây là mức thấp nhất từ tháng 2-2020.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của NBS cho biết sự suy giảm hoạt động sản xuất là do sụt giảm mạnh trong sản xuất lẫn nhu cầu. Các đợt bùng phát dịch COVID-19 tại nhiều nơi ở Trung Quốc thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm hoặc ngừng sản xuất.
Zhao Qinghe, nhà thống kê cấp cao thuộc NBS, cho biết có tới 19 trong 21 lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, bao gồm vận tải hàng không, lưu trú và ăn uống, bị sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề từ các đợt bùng phát dịch bệnh.
Số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Trung Quốc gia tăng, khiến nhà chức trách nước này phải áp đặt biện pháp phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng tại nhiều thành phố lớn.
Hàng chục thành phố của Trung Quốc, bao gồm các “trụ cột” kinh tế như Thâm Quyến và Thượng Hải, đã phải phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần trong những tháng gần đây.
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp sản xuất khép kín, trong đó công nhân ở lại ngay xưởng sản xuất và được xét nghiệm thường xuyên, nhưng cũng không thể chống chọi với các biện pháp chống dịch kéo dài.
Các nút thắt logistics cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, khiến việc vận chuyển hàng hóa, lao động trong nước và ra nước ngoài gặp khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu sụt giảm do người dân ở nhà để tránh dịch.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào ngày 29-4, các lãnh đạo nước này đã cam kết sẽ có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên sẽ tiếp tục kiên trì với chiến lược “Zero COVID”. Một số nhà kinh tế lo ngại chiến lược này là rủi ro lớn nhất với tăng trưởng của Trung Quốc năm nay.