Viettel Post nhắm doanh thu hơn 25.700 tỷ đồng năm 2022, sẽ xây 8-10 trung tâm khai thác
Trong năm 2022, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 25.723 tỷ đồng, tăng 19.43% so với năm 2021, trong đó doanh thu bán hàng đặt thách thức tăng 50%.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Viettel Post.
Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tại đây, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ cùng các chiến lược phát triển quan trọng trong năm 2022.
Báo cáo hội đồng cổ đông về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021, ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT Viettel Post cho biết năm 2021 là giai đoạn khó khăn nhất mà doanh nghiệp từng gặp sau khi cổ phần hóa.
Kết quả, doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 21.555 tỷ đồng, tăng 24.3% so với năm 2020, hoàn thành 106% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận ROE đạt 22.8%, hoàn thành 65.9% kế hoạch. Tổng tài sản Viettel Post vào ngày 31/12/2021 tăng lên mức 5.434 tỷ đồng, cao hơn 24.46% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ban lãnh đạo Viettel Post, năm 2022 hứa hẹn sẽ là năm tăng tốc bứt phá sản xuất kinh doanh, khi doanh thu hợp nhất kỳ vọng đạt 25.723 tỷ đồng, tăng 19.43% so với năm 2021, trong đó doanh thu bán hàng đặt thách thức tăng 50%.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Viettel Post cũng đã vạch ra chiến lược phát triển cho từ nay đến cuối năm, với mũi nhọn tập trung vào hoàn thiện dịch vụ chuyển phát cho thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ trong vận hành.
Theo ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post, hiện sản lượng nhóm dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử chiếm tới 78% sản lượng toàn ngành, vừa là thách thức để Viettel Post đầu tư hậu cần cho mảng này, vừa là cơ hội để gia tăng doanh thu, bởi dự kiến thương mại điện tử vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Theo xu hướng, các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển nền tảng để thu hút người dùng và đơn hàng. Trong khi đó, Viettel Post sẽ không chỉ tối ưu nền tảng sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, hạ tầng chuyển phát, mà còn cung cấp các dịch vụ hấp dẫn cho doanh nghiệp thương mại điện tử để tiếp cận sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.
Mặt khác, công ty cũng xác định ngành logistics cũng là mũi nhọn đang được chính phủ nước ta quan tâm phát triển. Theo đó, Viettel Post sẽ tập trung đầu tư kinh doanh sàn vận tải MyGo bằng cách phát triển đồng bộ nền tảng công nghệ cho vận hành lẫn hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ.
“Việc phát triển sàn vận tải lớn nhất Việt Nam chính là cơ hội để Viettel Post khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực logistics”, lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Cũng tại đại hội, nhiều mục tiêu kinh doanh quan trọng cho năm 2022 cũng đã được HĐQT Viettel Post trình cổ đông. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch xây dựng 8-10 trung tâm khai thác tại các mũi nhọn trong hệ thống chuyển phát, được ứng dụng công nghệ cao, thực hiện kết nối end-to-end nhằm tối ưu năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát.
Cùng lúc, hạ tầng 17 trung tâm logistics trên toàn quốc của Viettel Post cũng sẽ tiếp tục được triển khai nhằm gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực chuyển phát, tiến tới mục tiêu trở thành công ty có hạ tầng logistics chuyển nghiệp bài bản nhất, đồng thời là doanh nghiệp chuyển phát số một Việt Nam dựa trên công nghệ cao vào năm 2025.
Ngọc Lưu