Xuất khẩu trái cây bằng đường sắt dần vào nhịp
Như đã đề cập trong báo cáo tháng trước (tháng 3/2022), xuất khẩu trái cây của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi vận tải đường bộ và đường biển, đường hàng không đều gián đoạn hoặc có chi phí tăng mạnh. Ngay cả với xuất khẩu sang Trung Quốc do cửa khẩu giáp với Trung Quốc bị ách tắc, nên thanh long phần lớn phải xuất khẩu qua đường biển. Khi doanh nghiệp đứng trước áp lực gia tăng chi phí sẽ dẫn tới chuyện thu mua giá rẻ với nông dân. Trong bối cảnh đó, vận tải đường sắt có thể là một trong những giải pháp khắc phục các nút thắt này.
Dữ liệu từ Tập đoàn Đường sắt Nam Ninh Trung Quốc cho thấy 98 chuyến tàu đã vận chuyển tổng cộng 2.940 container tiêu chuẩn dọc tuyến đường sắt Trung-Việt trong quý đầu tiên của năm 2022. Số lượng chuyến tàu tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và số lượng container tăng 34,1%. Tuyến đường sắt nối giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giúp 55 công ty tiến hành các giao dịch thương mại biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam qua Bằng Tường (Pingxiang) ở Quảng Tây.
Vận tải đường sắt xuyên biên giới ở Quảng Tây phát triển nhanh chóng vào đầu năm 2022. Tổng cộng có 57 chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến Việt Nam trong quý đầu tiên, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu chở máy móc và thiết bị điện tử xuất khẩu. Những mặt hàng “Sản xuất tại Trung Quốc” có thị phần khá tốt ở thị trường ASEAN và vận tải đường sắt đã góp phần giúp chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh vận tải đường biển bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Vào quý đầu năm 2021, vận chuyển trái cây bị gián đoạn, nhưng năm nay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2022 và những container đầu tiên chở đầy trái cây từ Việt Nam đã vào Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới Bằng Tường từ ngày 6 tháng 1 năm 2022.
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2022, tổng cộng 11.366 tấn trái cây đã vào Trung Quốc qua Bằng Tường. Fang Peng, Giám đốc điều hành của Baosheng Zhongheng International Logistics Co., Ltd., giải thích rằng công ty được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng chất lượng cao để tăng tốc độ vận chuyển sản phẩm. Số lượng đơn đặt hàng và các điều kiện bán hàng cho thấy sự cải thiện ổn định trong giao thương giữa hai nước. Tuyến đường sắt Việt Nam-Trung Quốc cung cấp một động lực quan trọng cho sự phát triển của Baosheng Zhongheng International Logistics và các công ty xuất nhập khẩu khác.
Các chuyến tàu qua biên giới Trung Quốc và Việt Nam ở Quảng Tây từng chở các sản phẩm hóa chất và kim loại, và giờ đây chở cả nguồn dược liệu, trái cây và thiết bị máy móc giao thương giữa hai nước. Đường sắt tiếp tục được dự báo sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia vào quá trình vận chuyển hàng xuất khẩu cả ở trong thị trường nội địa và xuyên biên giới.
Nguồn: VITIC (trích từ báo cáo logistics trong hoạt động xuất khẩu và các quy định, chính sách liên quan, số tháng 4/2022).